SỰ TÍCH TẢ KINH PHÁP HOA
6. SỰ TÍCH TỤNG KINH THOÁT NỮ THÂN
Đời Tùy, huyện Bắc Lăng, có ông Thôi Ngạn võ, niên hiệu Khai Hoàng làm quan Thứ Sử châu Ngụy. Một hôm, nhơn đi thanh tra trong địa phận mình quản trị, đến một ấp nọ, bỗng ngạc nhiên vừa sợ vừa mừng ; bảo kẻ tùng giả rằng : “Ta xưa từng làm vợ người ở trong ấp này, nay vẫn biết nhà cũ”. Liền cỡi ngựa đi vào đường hẻm trong ấp, quanh quẹo đến một nhà, sai người gõ cữa. Ông chủ nhà đó đã già chạy ra lạy chào.
Ông Ngạn Võ vào nhà chỉ trên vách phía Đông cách đất chừng năm sáu thước (thước Tàu) có chỗ lồi cao lên mà bảo chủ nhà rằng “Chỗ trên cao đó là chỗ mà ta xưa kia cất năm đôi thoa vàng, với bộ Pháp Hoa của ta đọc hằng ngày. Bộ kinh ấy cuối quyển bảy, lửa cháy xém mất chữ hết một tờ. Vì cớ đó nên hiện nay mỗi khi ta tụng kinh Pháp Hoa đến chương đó, thường quên lảng không nghi nhớ đặng”. Nói xong sai người đục chỗ vách đó ra, quả thiệt đặng hộp đựng kinh, thoa vàng cùng quyển thứ bảy cháy xém một tờ cuối quyển như lời nói trước.
Ông chủ nhà rơi nước mắt khóc rằng : “Thoa vàng cùng kinh quả thiệt là vật của vợ tôi ngày còn sanh tiền, vợ tôi thường đọc bộ kinh Pháp Hoa này”.
Ông Ngạn Võ lại nói : “Cây hèo trước sân kia ngày trước khi ta sắp đẻ, tự cổi đầu tóc mượn để vào bọng cây đó”. Nói xong bảo người thử lại tìm, thật quả đặng tóc.
Chủ nhà thấy việc như thế, biết chính quan Thứ Sử hiện nay là vợ của mình ngày trước tái sanh vừa buồn vừa mừng.
Thôi Ngạn Võ để đồ vật vàng bạc lại, hậu cấp cho ông chủ nhà mà đi.
(Lại – bộ Thượng – thơ Đường – Lâm biên)
“Trong phẩm “Dược Vương Bồ Tát Bổn Sự” có nói : Nếu có người nữ nào nghe kinh này mà có thể thọ trì, thời sau khi bỏ báo thân đàn bà đó, không còn thọ lại nữa”. Chuyện của ông Thôi Ngạn Võ trên đây đủ chứng thật lời trong kinh. Làm cho chúng ta lại càng kính tin đức Như Lai là đấng chơn thật ngữ.
Một người đàn bà tên dân quê ở trong ấp cùng đọc kinh Pháp Hoa mà đã sớm khỏi thân hèn khổ chuyển thành thân quan cao tước lớn, trong khi ấy người chồng vẫn còn là tên dân quê. Chồng lạy rước vợ, nào biết đó là vợ cũ của mình ngày xưa.
Tên dân quê đó cùng một ít kẻ lân cận, khi người đàn bà đọc kinh Pháp Hoa chết, hoặc giả lại có niệm nghĩ rằng : “Tụng kinh không phước, trái lại bị chết yểu”. Niệm ngu si, lòng chê khinh ấy, khi gặp Thôi Ngạn Võ như tuyết gặp nước sôi vậy.
Ôi ! Công đức bất khả tư nghị của người trì kinh diệu dụng bất khả tư nghị của kinh, cùng lý nhơn quả nhiệm mầu, kẻ tâm vụng về, trí thức thô thiển có thể nào mà thấu đáo được. Tôi rất lo ngại cho hạng người bài nhơn quả, hủy báng kinh Đại Thừa và thiết tha mong sao những hạng người ấy không nên quá nông nổi.
Vì khổ báo của người hủy báng kinh, đức Phật Thế Tôn đấng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác như thật ngữ đã có huyền ký rõ ràng.