** THÍCH NGHĨA QUYỂN THỨ BẢY


THÍCH NGHĨA QUYỂN THỨ BẢY

(01) Từ nhục kế
Trên đầu Phật, thịt đùn cao như hình buối tóc, 1 tướng tốt trong 32 tướng tốt của thân Phật. tham khảo thêm tại đây
(02) Phật Thế Tôn
Mỗi vị Phật đều có đủ 10 hiệu này, phải đủ 10 hiệu này mới phải là Phật :
1. Như Lai : Toàn thể như như bất động, tùy duyên hóa độ mà đến trong muôn loài – Đến trong muôn loài mà vẫn như như bất động.
2. Ứng cúng : Ruộng phước vô lượng vì lợi quần sanh nên đến thọ sự cúng dường của chín giới.
3. Chánh biến tri : Hiểu biết suốt thấu khắp tất cả pháp một cách chơn chánh đúng như thật.
4. Minh hạnh túc : Minh : Trí huệ, Hạnh : Công hạnh lợi mình lợi người. – Trí huệ và công hạnh đều hoàn bị.
5. Thiện thệ : Khéo qua. Qua Niết Bàn những vẫn thường độ sanh, thường độ sanh những vẫn không rời Niết Bàn.
6. Thế gian giải : Rành rẻ tất cả pháp của thế gian và xuất thế gian.
7. Vô thượng sĩ : Đấng vô thượng, không còn ai trên.
8. Điều ngự trượng phu : Bực trượng phu hay điều hòa hóa độ chúng sanh nhu hòa và hay ngự phục hóa độ chúng sanh cang cường.
9. Thiên nhơn sư : Thầy của tất cả trời, người vv…
10. Phật : Đấng vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. “Thế Tôn” hiệu chung của 10 hiệu trên. Nếu được đủ 10 đức hiệu trên thời là bực tôn quí của thế gian và xuất thế gian.
(03) Na La Diên
Kim cang : Một chất rất rắn cứng, không chi phá vở được.
(04) Sa Môn
Hiệu chung của tất cả người xuất gia.
(05) Nhiếp năm tình : Là năm căn :
Nhãn : Con mắt
Nhĩ : Lỗ tai
T : Lỗ mũi
Thiệt : Lưỡi
Thân : Là thân mình
(06) Trở lại nơi bổn nhơn
Trở lại người chủ, người dùng bùa chú thuốc độc để hại người khác.
(07) Tuông giá
Ta thường gọi là mưa đá.
(08) Huệ nhựt
Mặt trời trí huệ, ý nói trí huệ sáng chói như mặt trời.
(09) Ý từ diệu đường mây
“Lòng bi” là lòng muốn cứu chúng sanh khỏi khổ, răn trừ các ác độc, như sấm vang làm khiếp vía các ma mị.
“Ý từ” là lòng muốn chúng sanh được hưởng các sự vui thỏa nên thường đem sự lợi lạc ban cho chúng sanh như mây rưới mưa đượm nhuần cỏ cây muôn vật.
(10) Dứt trừ lửa phiền não
Lòng tham giận, ganh vv… làm phiền nhiễu bức rứt khổ não thân tâm người như lửa đốt, Bồ Tát nói pháp trừ những tánh xấu trên đó làm cho thân tâm người thơ thới mát mẽ, như rưới nước cam lồ tắt lửa.
(11) Lìa các đường dữ
Địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh.
(12) Bịnh bạch lại
Bịnh hủi (da tróc sần sùi, tóc mày đều rụng)
(13) Pháp Hoa hải hội
Hội lớn rộng rất đông như biển không thể lường biết !
(14) Ba châu
1. Thuyết pháp châu.
2. Thí dụ châu.
3. Nhơn duyên châu.
PHỤ. – Bích Chi Phật ; Có hai hạng :
1. Ra đời không gặp Phật không gặp chánh pháp, nhơn thấy sự biến đổi trong đời như hoa héo, lá khô vv… mà tự ngộ lý vô thường, dứt kiến tư hoặc, thoát ly sanh tử luân hồi, gọi là : Độc Giác.
2. Ra đời gặp Phật, gặp chánh pháp, tu pháp “Thập nhị nhơn duyên quán (xem phẩm “Hóa thành dụ” thứ bảy, quyển thứ ba) mà chứng ngộ Vô Sanh, thoát ly sanh tử luân hồi gọi là vị : “Duyên Giác” 2 bực : Độc Giác cùng Duyên Giác, cứ quả vị thời ngang với quả vị A La Hán”.
 (15) Cũng như họa ép dầu
Người xứ Tây Trúc ép dầu trước giã nhỏ mè hay đậu vv…ủ cho sanh trùng rồi sau mới ép. Ép dầu tức là sát hại nhiều trùng nên phải bị ương họa.
(16) Bộng cây nổi
Để ví những việc lâu xa khó gặp khó được. Kinh nói : “Như trong biển lớn có khúc cây bộng nổi trên mặt nước, 100 năm 1 lần trôi qua, 100 năm 1 lần trôi lại ; Đáy biển có một con rùa đui, 100 năm 1 lần nổi lên mặt nước đón bộng cây để chui vào. Biển rộng, cây 100 năm mới một lần trôi qua, rùa đã mù mà 100 năm mới nổi lên 1 lần, chực chui được vào bộng cây, khó lắm !.
(17) Công tổng trì
Tức là “Đà La Ni”.